Quan niệm nước mắt chảy xuôi có khi nào là sự bao dung, niềm an ủi của cha mẹ và cũng chính là lời biện hộ của những đứa con khi chúng hãy còn trẻ, còn khỏe, đôi chân còn muốn trượt ra ngoài tìm đến những niềm vui mới mẻ?

Cái nóng đầu hè dường như đuổi theo tôi đến tận cửa an ninh sân bay. Chưa kịp đứng vào hàng người dài dằng dặc, tôi chợt nghe như tay áo mình có một sức trì níu nhẹ: “Con ơi, dì đi Cam Ranh thì đi vô chỗ nào?”. Tiếng đàn bà khẽ, nghe thoang thoảng mùi nắng gió. Vài tiếng nặng như vị mằn mặn của một vùng mênh mông biển nước.

Ảnh minh họa

Người đàn bà ấy đã gần 70, đứng khép nép bên trong góc tường. Có lẽ bà đã đứng đó một lúc lâu rồi. Không hiểu sao trong đầu tôi lại bật ra hình ảnh một con còng biển bị gió đẩy lên bờ cát, loe ngoe những cái càng dò dẫm trong vô vọng để tìm đường về với những đụn cát mềm, những con sóng dập dìu.

Tôi dẫn bà qua cửa, lấy khay cho bà bỏ quần áo, giày dép, túi xách. Bà lập cập, tay chân ríu vào nhau thấy thương. “Dì mới đi lần đầu, vô Sài Gòn thăm cháu ngoại. Mấy đứa nhỏ dành dụm tiền để dì về máy bay cho đỡ mệt. Dì sợ nhưng không dám nói. Phải chi có đứa nào dẫn dì đi 1 lần… Nhưng mấy em còn nhỏ, còn công việc nữa. Đâu có đứa nào rảnh mà đưa dì về” - bà nói.

Tôi đưa bà đến tận cửa chờ tới giờ ra máy bay, dặn dò đầy đủ. Bà cứ xoa lên bàn tay tôi nói mãi: “May mà gặp con…”. Chào người đàn bà không kịp biết tên, chẳng rõ ra đi từ đâu và về chốn nào, tôi nghĩ mông lung đến tuổi già.

Bất kể là ai, ở đâu, cuộc sống thế nào, bước sang chặng cuối hành trình đời dường như đã thực sự bơi không kịp nhịp sống đang diễn ra xung quanh. Thế giới bên ngoài trở nên rộng hơn, nhanh hơn, nhiều thứ trở nên lạ lẫm. Muốn hay không người ta cũng cảm thấy mình nhỏ bé, nhiều nỗi sợ, luôn cần có người thân bên cạnh, lắm khi không phải là cần được chăm sóc mà chỉ để đủ đầy cảm giác an tâm, hệt trẻ con.

Tôi cũng như biết bao bà mẹ trên đời, ngày nào đó, chỉ nghe một tiếng oe oe hay cái trở mình rất khẽ trên chiếc nôi nhỏ xíu, đã vội vàng bỏ ngay chén cơm, đầu tóc có khi còn vướng xà bông gội chưa kịp xả sạch, nhào ngay đến vỗ về: “Mẹ đây con, mẹ đây con!”. Nhưng liệu có mấy ai cũng ngay tức khắc đến bên cạnh cha mẹ già: “Con đây mẹ/Con đây ba!”?

Quan niệm nước mắt chảy xuôi có khi nào là sự bao dung, niềm an ủi của cha mẹ và cũng chính là lời biện hộ của những đứa con khi chúng hãy còn trẻ, còn khỏe, đôi chân còn muốn trượt ra ngoài tìm đến những niềm vui mới mẻ?

Cuối cùng, cảm giác an tâm, luôn có người bên cạnh phải chăng là cảm giác cần nhất của đời người?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Điện thoại tôi nhấp nháy sáng. Cô bạn đồng nghiệp thân gửi tấm ảnh chụp với mẹ cô kèm lời nhắn: “Em dẫn má đi coi cải lương nè!”. Trong ánh sáng mờ đục của khán phòng sắp đến giờ diễn, tôi vẫn thấy được nét cười rất tươi của người mẹ. “Em chuẩn bị tắt điện thoại nha chị. Má thích lắm, cười suốt. Bao nhiêu năm mắc con nhỏ, em có dẫn má đi được đâu. Giờ con cái lớn hết bỏ mình đi, em giật mình nhớ đến má. Hên quá, má vẫn còn đây. Dẫn má đi mà nghe thương như dẫn bọn trẻ con hồi chúng còn nhỏ”.

Ngồi giữa sân bay, tôi nghe mũi mình cay cay. Tự nhiên tôi nhớ đến lời mẹ khi mấy chị em rủ ông bà đi đâu đó chơi trong kỳ nghỉ: “Tụi con đi đi. Còn trẻ nên đi. Ba mẹ già rồi đi làm chi. Ba mẹ ở nhà, không sao đâu con”.

Sao mình cũng đã làm mẹ lại vẫn tin, vẫn để cha mẹ lẩn quẩn một mình khi họ nói: “Mẹ/ba không sao đâu con”. Liệu có người cha người mẹ nào tỏ ra bất ổn trước những đứa con, dẫu rằng chúng bao nhiêu tuổi?

Liệu có người cha người mẹ nào chẳng lặng lẽ lau chùi băng bó những vết thương của riêng mình để thủy chung mang đến cho con cảm giác yên tâm mà đi hết chặng đời?

Trước mắt tôi, lần nữa, không hiểu sao lại hiện ra hình ảnh mênh mông của biển cả.

Triệu Vẽ