Nhiều trò tương tác vui tại Xẩm xe duyên 1 - Ảnh: BTC
Nghe xẩm có lẽ không ít người ngại, ngại một loại hình âm nhạc dân gian thuộc về thời quá vãng, ngại mình không hiểu hết âm luật để thưởng thức cho trọn vẹn.
Thế mà ở buổi diễn Xẩm xe duyên, cái ngại chỉ thoáng qua mấy phút đầu, rồi ai cũng nhập tâm vào xẩm.
Đầu tiên là vì một ý tưởng chẳng - giống - ai. Đó là kết nối xẩm - một nghệ thuật 700 năm tuổi - với một khái niệm mới du nhập vào Việt Nam: Tháng tự hào, tháng tôn vinh đa dạng giới, hay rộng ra hơn là tôn vinh muôn mặt tình yêu.
Cứ ngỡ "giải phóng tình dục" là một điều gì đó mới mẻ mà ta học được từ phương Tây, mấy ai biết từ lâu trong xẩm đã đầy tinh thần giải phóng.
Thậm chí một khán giả nữ chỉ ra các ca sĩ Việt trẻ bây giờ chỉ mới lớt phớt chạm tới vấn đề tính dục đã bị làn sóng phản đối dữ dội trên TikTok, thế mà các cụ ta ngày xưa đã dám sáng tác những bài táo bạo gấp trăm lần.
Xẩm: TÍNH MỚI GẶP TÌNH - Tô Minh CườngMở đầu buổi diễn bằng một bài xẩm huê tình nổi tiếng tên Tính mới gặp tình, "bác xẩm" Ngô Văn Hảo giải thích ngọn nguồn của cái tứ dân gian quen thuộc: "Hôm nay tính mới gặp tình/ Khác nào Kim Trọng thanh minh gặp Kiều".
Ý nói tính hay tình cũng là cái duyên hội ngộ, tình không nhất thiết phải là tình yêu, có biết bao nhiêu thứ tình trên đời. Thế chẳng phải các cụ ta xưa đã quá hiện đại so với thời hiện đại, cái thời phân biệt rất rõ giữa "tính" và "tình" nếu không bị quy là... "mập mờ", là "cờ đỏ".
Thế rồi các bác xẩm càng hát, khán giả càng được nhiều phen "ố, á".
Hóa ra những thứ mà ngày nay người ta quy về những từ ngữ vô hồn như "trap boy", "trap girl" - chỉ những người thích trêu đùa tình cảm của người khác - đã được kể trong xẩm từ thuở nào, lại duyên dáng bội phần, vừa tục đấy mà lại ăm ắp tình đấy, châm biếm lắm mà không thiếu gì ý nhị.
Như trong bài Dứa dại không gai, với những hình ảnh phồn thực rải khắp cả bài, nào là "oản tẻ", "bánh dày", "chuối xanh", "gai dứa dài hơn chông"...
Nói cho cùng, tín ngưỡng thờ sinh thực khí luôn là cốt lõi của một nền văn hóa nông nghiệp.
Đến tứ khoái của người Việt cũng bao gồm tình dục. Vậy có gì mà ngại khi nói về tình dục?
Thế vẫn chưa là gì, tới bài Anh hàn nồi, một bài xẩm ít được biểu diễn, có lẽ vì tính chất khoái hoạt, phóng khoáng vô biên của nó, khán giả mới càng bái phục sự hài hước của các cụ.
Hát về một anh chuyên đi chữa nồi, để rồi từ hình tượng những chiếc nồi tưởng chẳng có gì bình thường hơn, ta nhận ra hóa ra anh chàng này là một kẻ giăng hoa, bạ ai cũng chung chăn gối. Táo bạo đến thế thì thôi!
Hát xẩm Tết show với chủ đề Chiếu hoa Kẻ Chợ do Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam tổ chức hồi đầu năm 2024 - Ảnh: TIẾU TÙNG
Xẩm xe duyên hôm đó, có người đã đăng ký trước, có người chỉ tình cờ ngồi lại, có người đã nghe xẩm nhiều rồi, có người lần đầu mới nghe. Nhưng đến cuối ngày, khi các bác xẩm bảo "thôi đến giờ phải đi về", ai nấy vẫn cứ nấn ná lại mãi, nài bác xẩm hát thêm đôi câu.
Ngay cả những người già hẳn vẫn thường ưa về sớm cũng nán lại thêm một chút, "xuất khẩu thành thơ" nhờ bác xẩm hát hộ nỗi lòng: "Hôm nay chủ nhật trời mưa/ Mải nghe hát xẩm nên chưa muốn về".
Xẩm xe duyên là chương trình của nhóm Chèo 48H - Tôi chèo về quê hương, vừa tròn 10 năm thành lập. Có lẽ vì trẻ, vì gen Z, nên mới có thể dễ dàng nói về những "lầy lội", những lệch chuẩn trong một bộ môn nghệ thuật cổ.
Lâu nay ta có xu hướng đặt nó lên bàn thờ thành kính mà quên đi rằng đó là một môn nghệ thuật dân gian, mà đã là dân gian thì nó ngẫu hứng, bông lơn và có thể trái hết những diễn ngôn chính thống về ngôn hạnh.
Ngay cả những khán giả chẳng bao giờ làm thơ, ngày hôm đó cũng có thể làm thơ (hoặc nhờ ChatGPT làm thơ), để các bác xẩm hát.
Bài Dứa dại không gai có câu "xốc xa xốc xệch, xộc xà xộc xệch" - một câu ấy gói gọn tinh thần xe duyên mà thực sự chẳng cần những cuộc cách mạng tình dục từ phương Tây thì ông bà ta cũng đã có sẵn.