Thực tế cuộc sống ngày nay, một số bạn trẻ yêu nhanh và có bầu trong khi chưa sẵn sàng đi đến hôn nhân. Trong trường hợp đó, liệu có thể đăng ký khai sinh cho con của mình không? Dưới đây là hai câu hỏi của độc giả:

- Tôi và chồng không đăng ký kết hôn, có một con chung. Khi đi làm khai sinh thì có cần thử ADN không, hay chỉ cần cha cháu đi khai sinh nhận con là được?

- Tôi và bạn gái sống thử chưa đăng ký kết hôn, bạn gái tôi mới sinh con được 1 tuần. Bây giờ tôi muốn đăng ký giấy khai sinh cho con mà không có giấy đăng ký kết hôn có được không? Đã qua một tuần rồi thì tôi có thể đăng ký giấy khai sinh được không? Hồ sơ thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con được tiến hành như thế nào?

Luật sư Trần Minh Hùng trả lời:

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có các quyền và nghĩa vụ như những đứa trẻ khác, trong đó có quyền được khai sinh.

Đồng thời, theo quy định tại điều 15 Luật Hộ tịch 2014 về trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.

Chưa đăng ký kết hôn thì con vẫn được đăng ký khai sinh (Ảnh minh họa).

Theo đó, tại điều 9 nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh như sau:

1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại UBND xã, phường, thị trấn hoặc các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều 2 của nghị định này.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Như vậy, con sinh ra mà cha mẹ chỉ sống chung mà không đăng ký kết hôn thì cha hoặc mẹ vẫn phải có trách nhiệm khai sinh cho con. Người đăng ký khai sinh phải có giấy chứng sinh để nộp cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Theo đó, chỉ xác định được tên mẹ trong giấy khai sinh của con, còn cha thì để trống.

Để ghi cả cha và mẹ trong giấy khai sinh của con khi sống chung nhưng không kết hôn thì căn cứ điều 15 nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:

- Trường hợp chưa xác định được cha, khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh để trống.

- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 điều 4 của nghị định này.

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Căn cứ điều 14 thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như sau:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại điều 5 thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Như vậy, hai bạn sống chung nhưng không đăng ký kết hôn thì để ghi nhận cả cha và mẹ trong giấy khai sinh của con, người cha phải làm thủ tục nhận cha cho con. Lúc này, đăng ký khai sinh sẽ kết hợp với việc nhận cha con như trên đã đề cập.