Hạn chế ăn gian vài giây "tử thần"

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT TP.HCM), thời gian gần đây TP.HCM đã thí điểm không sử dụng đèn giao thông đếm ngược thời gian tại một số giao lộ lớn để theo dõi cách đi lại của người dân, từ đó tổ chức giao thông phù hợp với thực tế. Cụ thể, lâu nay, đối với các cột đèn giao thông bình thường, thời gian đèn xanh - vàng - đỏ sẽ được đếm ngược theo số giây, dần về 0 (thời gian linh hoạt tùy mỗi giao lộ). Với mô hình mới, đèn giao thông được thiết lập linh hoạt theo từng khoảng thời gian nhất định (không hiển thị từng số) và chỉ chuyển màu đèn. Khu vực gắn đèn loại này là những giao lộ lớn, có camera giám sát và kết nối với Trung tâm Quản lý giao thông đô thị để tiện cho việc điều chỉnh từ xa. Việc thí điểm triển khai ở 3 nút giao thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu, gồm nút giao với các đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng 8. Đến nay, mô hình này bắt đầu được mở rộng và thí điểm ở giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (gần hầm Thủ Thiêm).

Đèn giao thông hiển thị thời gian trên đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM

Trung tâm Quản lý giao thông đô thị cho biết sau thời gian thí điểm, các cột đèn tín hiệu không đếm số giúp tình hình giao thông ổn định hơn. Các trường hợp vượt đèn khi thời gian còn 2 - 3 giây cũng giảm, từ đó giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

Ủng hộ việc sử dụng những cột đèn giao thông không có bộ đếm số, chị Hải Vân (ngụ Q.4, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: Ở các thành phố lớn đông đúc, ùn tắc thường trực trên mọi tuyến đường như TP.HCM, Hà Nội thì các phương tiện, đặc biệt là xe máy lưu thông trên đường thường rất hay có tâm lý cố "ăn gian" vài giây đèn tín hiệu để chạy cho nhanh. Chẳng hạn còn vài giây đèn xanh thì cố chạy thật nhanh, lạng lách đánh võng để thoát dừng đèn đỏ; trong khi dừng đèn đỏ thì chỉ chực chờ còn vài giây là vít ga ngay. Đôi khi tại những ngã tư rộng, thời gian dừng đèn đỏ lên tới 80 - 90 giây thì xe máy càng "sốt ruột", thậm chí còn tới 10 giây đèn đỏ đã phóng lên trước, trong khi dòng xe xung đột thì lại đang cố phóng nhanh cho kịp đèn xanh. Đó là lý do tại các điểm giao cắt thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc tai nạn giao thông.

"Con gái tôi vừa là nạn nhân của tình trạng này. Khi đèn xanh còn khoảng 3 giây thì cháu vẫn giữ tốc độ để vượt qua ngã tư, thế là tông ngay vào xe người phía trước dừng đột ngột, ngã xây xước khắp người. Xét về lý thì cháu đi đúng luật vì vẫn đang đèn xanh, nhưng tôi cũng phải chấn chỉnh lại tâm lý cố qua đèn xanh của cháu, đặc biệt trong bối cảnh ý thức tuân thủ giao thông chưa tốt. Còn bản thân tôi đi ô tô thì thường xuyên gặp cảnh xe đậu phía sau bíp còi ầm ĩ giục đi khi còn khoảng 4 - 6 giây đèn đỏ. Tôi cho rằng nếu bỏ bộ đếm giây thì sẽ giảm hẳn chuyện cố vượt, lúc đó chỉ cứ tuân thủ quy tắc đèn xanh thì đi, đèn đỏ thì dừng thôi", chị Hải Vân nói.

Theo kết quả khảo sát do Trường ĐH GTVT thực hiện về tác động của đèn giao thông (có và không có đồng hồ đếm ngược) đối với ý thức của người tham gia giao thông ở thủ đô Hà Nội, với nút giao có đồng hồ đếm ngược, có tới 73% các xe xuất phát sớm từ 3 - 5 giây trước khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh. Còn ở những nơi không có đồng hồ đếm ngược thì chỉ 26% các xe "ăn gian". Thời gian này cũng bị gọi là "vài giây tử thần" do nguy cơ cao dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.

Đèn đếm ngược không có lỗi, lỗi ở ý thức

Thực tế, TP.HCM không phải địa phương duy nhất thí điểm giảm dần đèn giao thông đếm ngược. Từ năm 2018, Hà Nội từng thí điểm lắp đặt ứng dụng công nghệ mới, điều chỉnh pha đèn theo tình hình giao thông thực tế tại nút Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì… song phải tạm dừng khi chưa có kết quả cụ thể. Mới nhất, hồi đầu tháng 4, Hà Nội tiếp tục thí điểm bỏ bộ đèn đếm ngược tại nút giao Võ Chí Công - Xuân La, Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn để áp dụng hệ thống đèn giao thông thông minh điều chỉnh theo tình hình giao thông thực tế. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 tháng, khi chưa có kết quả thí điểm, hệ thống đèn cũ đã lại phải khôi phục.

Cột đèn giao thông tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM) đã tắt bộ đếm giây

Thường xuyên lưu thông trên trục đường Võ Chí Công (Q.Tây Hồ), anh Giang Đông Phong (ở Đông Anh, Hà Nội) cho rằng việc bỏ đèn giao thông đếm giây là một "sự cải thiện ngược" bởi người lái xe từ chỗ chủ động nắm bắt thời gian để giảm tốc độ, dừng xe, tắt máy tiết kiệm xăng, bảo vệ môi trường hay khởi động xe từ từ thì nay bị đẩy vào trạng thái bị động "chờ đợi trong tù mù, hoang mang". "Mỗi lần chờ đèn đỏ lên đến 80 giây, có chiều 120 giây mà không có bộ đếm thì vô cùng khó chịu. Mình không biết sắp được đi hay chưa để mà tắt máy hay giữ máy. Đứng chỉ lo chăm chăm nhìn cột đèn xem bao giờ chuyển màu. Rồi đến lúc xanh thì tất cả vội vàng nhấn ga, lao lên trước. Còn khi đèn xanh mà chuyển qua đỏ thì càng nguy hiểm, đang đi dừng đột ngột, bị tông như chơi", anh Phong nhận xét.

Tại TP.Thanh Hóa, người dân tại các ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Chí Thanh, Bà Triệu - Tô Vĩnh Diện… cũng thường xuyên phản ánh đèn vàng mất tín hiệu và không có đồng hồ đếm ngược khiến nhiều người tham gia giao thông bối rối mỗi khi chuyển đèn và bị phạt nguội vì đôi khi chưa kịp vượt qua đường thì đèn đã chuyển tín hiệu. Thậm chí người dân còn cho rằng điều này chẳng khác gì cái bẫy.

Từng nhiều năm sinh sống và làm việc ở Mỹ và nhiều nước phát triển, chuyên gia giao thông - quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn nhận định: Sẽ là thiếu chính xác và thiếu cơ sở khi nói rằng các nước tiên tiến đều không áp dụng đồng hồ đếm ngược vì không hiệu quả để rồi áp dụng ngay cho địa phương mình. Cụ thể, đèn tín hiệu giao thông đã xuất hiện ở nước ngoài từ cách đây hàng trăm năm. Đèn vận hành theo nguyên tắc xanh đi - vàng giảm - đỏ dừng và người dân đã quá quen thuộc với nguyên tắc này, tuân thủ gần như rất nghiêm túc. Cùng với đó, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân các nước là ô tô, xe công cộng nên họ ít có tâm lý cố vượt, "ăn gian" như tại VN. Sau này, một số địa phương tại một số quốc gia mới áp dụng thêm công nghệ đếm giây tại một số khu đô thị mới để hỗ trợ thêm tính chủ động cho người dân. Đặc biệt, như ở Mỹ, tại hầu hết các giao lộ họ đều lắp đặt thêm các hệ thống cảm ứng cảnh báo để tránh tình trạng phương tiện phải dừng đột ngột khi đổi màu đèn.

Bối cảnh ở VN lại khác, tỷ lệ người dân di chuyển bằng xe máy rất lớn, nếu dừng đèn đỏ quá lâu dưới thời tiết nắng nóng gay gắt mà không biết bao giờ được đi thì sẽ rất sốt ruột. Vì thế dù không có đếm giây thì nhiều người vẫn cố vượt đèn vàng khi đang vội. Chưa kể nếu người điều khiển xe máy thấy thời gian chờ lâu, tạm tắt máy thì sẽ góp phần rất tốt giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn.

"Lắp bộ hệ thống đèn đếm ngược tốn rất nhiều tiền từ ngân sách, không thể dựa theo cảm tính để thích lắp thì lắp, bỏ thì bỏ, rồi sau thấy không ổn lại lắp lại. Đây là những quyết định ảnh hưởng lớn tới quản lý đô thị nên phải nhìn từ góc độ khoa học", ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

TP.HCM cần nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, thống kê ở hiện trường; xem tại giao lộ không có đèn đếm ngược có thật sự xu hướng vượt đèn đỏ ít hơn hay không; khi chủ phương tiện tắt máy tại các giao lộ có đèn đếm ngược thì hiệu quả về môi trường, về tiết kiệm xăng như thế nào… Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và nhìn trên bài toán khoa học tổng thể từ nhiều mặt.

TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn