Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ 1/7/2024.
Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa: VNPostNgoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.
XEM: Bảng lương chi tiết từ 1/7
Thêm lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng dân phòng tham gia cùng công an xử lý một vụ vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa: Báo Bình ThuậnVề tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt...
Trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.
Bộ Công an đã lựa chọn 12 địa phương làm điểm lễ ra mắt lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau.
Thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước
Từ 1/7, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.
Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.
Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Mặt trước của thẻ Căn cước cấp cho công dân từ đủ 6 tuổi trở lên.Điều 18 của Luật Căn cước nêu các trường thông tin thể hiện trên thẻ Căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Như vậy, so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên thẻ Căn cước.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...
Người được cấp thẻ Căn cước bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.
Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt
Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345 triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ 1/7/2024.
Theo đó, từ 1/7, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.
Chồng không được ly hôn khi vợ đang mang thai, dù có thai với bất cứ ai
Ngày 16/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo đó, khoản 4, 5 Điều 2 Nghị quyết quy định: Vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt có thai, sinh con với ai. Vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, chồng cũng không có quyền yêu cầu ly hôn (không phân biệt con đẻ, con nuôi).
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều luật không phân biệt vợ nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con của chồng hay con của người khác. Do vậy, khi đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi thì bất luận là con của ai, người chồng cũng không có quyền ly hôn.
Như vậy, không phải là từ ngày 1/7, mà từ trước đến nay pháp luật (cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình 2014) đã quy định chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bất luận là con của ai.
Việc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết nói trên là một lần nữa minh định quyền ly hôn của người chồng khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.