Tê giác Nam Phi từ lâu đã được liệt vào danh sách các loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn, nhất là trong bối cảnh hoạt động buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp không ngừng gia tăng trong nhiều năm qua.
Theo các nhà khoa học, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và tê giác cần sừng để phát triển một cách khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu Nam Phi đã thực hiện thành công việc đưa đồng vị phóng xạ liều thấp vào phần sừng của 20 con tê giác sống trong một nghiên cứu kéo dài sáu tháng để ngăn chặn nạn săn trộm.
Các nhà nghiên cứu đã đưa đồng vị phóng xạ số lượng nhỏ vào sừng tê giác, để giúp loài vật này tránh trở thành mục tiêu săn trộm. (Ảnh: WWF)
Ông James Larkin (Giám đốc Khoa Vật lý Y tế và Phóng xạ, Đại học Witwatersrand, Nam Phi) cho biết: "Những gì bạn vừa thấy ở đây là phương pháp hoàn toàn mới lạ. Chúng tôi đưa đồng vị phóng xạ vào sừng để làm giảm giá trị của sừng trong mắt bọn săn trộm và người sử dụng".
Công nghệ hạt nhân theo hình thức đưa các đồng vị phóng xạ liều lượng nhỏ, có thể đo được, vào sừng tê giác để có thể phát hiện được bằng các máy quét phóng xạ tại biên giới, cảng biển, sân bay và cửa khẩu. Sau nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đảm bảo rằng các đồng vị phóng xạ đưa vào không gây bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe hay nguy cơ nào khác đối với động vật hoặc những người chăm sóc chúng.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ số tê giác này 24/24 giờ trong sáu tháng tới để xác định tính khả thi của phương pháp này. Sẽ có hơn 11 nghìn máy giám sát phóng xạ được lắp đặt tại các sân bay, bến cảng và cửa khẩu để thực hiện dự án này. Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng sang voi, tê tê và các loài động thực vật khác.