Như Thanh Niên đã đưa tin, Chánh án TAND TP.Hà Nội mới đây ký quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, trú tại Bắc Giang). Ông Khang đang là bị cáo trong một vụ án lừa đảo, giải quyết nhiều năm nay nhưng chưa có hồi kết.
Đáng chú ý, ông Khang bị bắt tạm giam từ năm 2011. Tính đến thời điểm bị cáo được hủy bỏ biện pháp tạm giam, thời gian tạm giam đã kéo dài tới hơn 13 năm.
Chưa nói đến nội dung vụ án cũng như việc bị cáo có tội hay không, nhưng thông tin về việc một người bị tạm giam tới hơn 13 năm đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vì sao lại có tình huống pháp lý này?
Ông Nguyễn Huy Khang (áo tím) tại phiên tòa hồi tháng 4.2024
Từng nhiều lần xin tại ngoại nhưng không đượcNăm 2011, ông Nguyễn Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (mời bạn đọc xem thông tin vụ án TẠI ĐÂY). Quá trình giải quyết, ông Khang cùng một bị cáo khác là ông Nguyễn Đình Bang (73 tuổi, trú tại Hà Nội) từng nhiều lần kêu oan.
Tính đến nay, vụ án kéo dài đã 14 năm, trải qua nhiều lần xét xử nhưng vẫn chưa thể có phán quyết cuối cùng. Trong đó, các năm 2016 và 2020, tòa sơ thẩm 2 lần tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Khang 18 năm tù và bị cáo Nguyễn Đình Bang 16 năm tù. Đến năm 2017 và 2022, lần lượt 2 phiên tòa phúc thẩm đều tuyên hủy các bản án sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều (Công ty Luật TNHH Bắc Nam, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) là người theo đuổi vụ án suốt hơn một thập kỷ qua. Nữ luật sư nhận lời tham gia bào chữa cho ông Khang ngay từ giai đoạn bị cáo bị bắt giam, ròng rã tới nay đã hơn 13 năm.
Chia sẻ về việc ông Khang được hủy bỏ biện pháp tạm giam, luật sư Thúy Kiều cho biết đây là kết quả từ sự kiên trì của bị cáo, gia đình bị cáo và cả luật sư, đồng thời cũng "nằm ngoài mong đợi".
Theo luật sư, bị cáo Khang và người bào chữa từng nhiều lần đề nghị được thay đổi biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên đều không được chấp nhận.
Mới đây nhất, tại phiên sơ thẩm lần 3 hồi tháng 4.2024, luật sư thêm một lần đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm giam để tạo điều kiện cho bị cáo đi chữa bệnh, nhưng hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên toà.
Không bỏ cuộc, luật sư tiếp tục kiến nghị đến tòa án để xem xét nguyện vọng cho thân chủ. Cuối cùng, Chánh án TAND TP.Hà Nội ra quyết định như đã nêu.
"Chưa biết phán quyết của tòa về mặt tội danh như thế nào, nhưng việc ông Khang được thay đổi biện pháp ngăn chặn sau quãng thời gian đằng đẵng bị tạm giam là một tín hiệu tích cực. Điều này sẽ giải tỏa áp lực cả về mặt tinh thần và sức khỏe đối với bị cáo", luật sư Thúy Kiều nói.
Vẫn theo chia sẻ từ nữ luật sư, bà từng tham gia nhiều vụ án, cũng có nhiều bị can, bị cáo bị tạm giam thời gian dài, nhưng ông Khang là trường hợp đầu tiên bị tạm giam lâu đến vậy.
Cho rằng đây là những vụ án "có mở đầu nhưng mãi không kết thúc", bà Kiều đề nghị cơ quan tố tụng nghiên cứu, xây dựng quy định chặt chẽ, minh bạch về việc áp dụng biện pháp tạm giam.
"Phải có thời gian rõ ràng, được giam bao nhiêu lâu, tối đa bao nhiêu lần gia hạn, bao nhiêu lần được điều tra bổ sung. Không thể cứ xét xử, hủy án, xét xử lại, trả hồ sơ điều tra bổ sung, lấy lại thời hạn tạm giam, rồi quay vòng mãi.
Quá thời hạn quy định mà không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải đình chỉ hoặc có động thái tố tụng khác, nhằm bảo đảm quyền lợi của người bị buộc tội", luật sư Thúy Kiều nêu quan điểm.
Luật sư cho rằng cần có quy định chặt chẽ, minh bạch về thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội, bao gồm cả trường hợp hủy án để điều tra, truy tố và xét xử lại (ảnh minh họa)
Đang tồn tại "khoảng trống pháp lý"?Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã có quy định về thời hạn điều tra vụ án cũng như thời hạn tạm giam bị can, bị cáo. Trong đó, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn điều tra.
Với vụ án của ông Nguyễn Huy Khang, bị cáo này bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thời hạn điều tra, truy tố, xét xử (bao gồm cả gia hạn) không quá 3 năm.
Tuy nhiên, có "một khoảng trống pháp lý" đang tồn tại, đó là trường hợp tòa phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại thì lại không có quy định về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử lại là bao lâu.
Điều này dẫn tới các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào quy định chung về thời hạn tạm giam, thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử để "tính lại từ đầu", hay còn gọi là "quay vòng" tố tụng.
Như vậy, vụ án có thể kéo dài nhiều năm mà không có hồi kết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Thực tế đã có những vụ án kéo dài nhiều năm khiến bị cáo mệt mỏi, chán nản mà từ bỏ việc kêu oan, chấp nhận nhận tội để giảm thời gian chấp hành hình phạt.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan tố tụng cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng quy định thời hạn tối đa cho từng loại tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng này.
Đồng thời, phải quy định cả trường hợp bản án bị hủy để điều tra, truy tố, xét xử lại thì thời hạn cũng không quá một khoảng thời gian nhất định, nếu quá thời điểm đó mà không chứng minh được tội phạm, phải tuyên bố bị can, bị cáo không phạm tội, đình chỉ vụ án.
Luật sư Cường nhận định, quy định về thời hạn trong tố tụng hình sự như trên mới có ý nghĩa và đề cao được trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự. "Không để một vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng phải mất 13 năm để chứng minh tội phạm như vụ án này", luật sư Cường nói.