Trong mức tăng trưởng chung 6,46% của kinh tế thành phố: Khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất 4,34 điểm phần trăm, đồng thời có mức tăng trưởng cao nhất 7,26%; khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 1,2 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 5,55%, trong đó công nghiệp đóng góp 1,05 điểm phần trăm, xây dựng đóng góp 0,15 điểm phần trăm; khu vực nông nghiệp đóng góp 0,38 điểm phần trăm và tăng 0,18%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 (xét theo giá hiện hành): Khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỉ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,0%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 65,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,9%.

Về tỉ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong GRDP 6 tháng đầu năm 2024. Giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ chiếm 59,9% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 04 ngành chiếm tỉ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (16,4%), vận tải kho bãi (10,5%), tài chính ngân hàng (9,1%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,4%). Bốn ngành này chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ.

Tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương, tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi (18,47%), tăng thấp nhất là ngành bất động sản (+2,94%).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý I/2024 đã có tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 36,6% giữ ổn định và 26,4% khó khăn hơn. Trong đó, 80% doanh nghiệp nhà nước cho rằng hoạt động quý II/2024 so với quý I/2024 tốt lên và giữ ổn định; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 73,6% và 72,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dự ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0% so với cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/6/2024, Thành phố cấp phép 25.248 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 214.716 tỷ đồng, tăng 9,6% về giấy phép và tăng 1,0% về vốn so với cùng kỳ.

Trong xu hướng phục hồi tích cực của kinh tế Thành phố, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 264.456 tỷ đồng, đạt 54,8% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa tăng mạnh 26,1% và tăng đều ở cả 03 khu vực: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên thu từ dầu thô giảm 13,6% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 2,1% so với cùng kỳ.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, để kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi nửa cuối năm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải phóng nguồn lực; sẵn sàng thực thi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo mục tiêu cả năm trên làn 95% vốn được giao. Tính đến 21/6, giải ngân đầu tư công chỉ mới là 8.195 tỷ đồng, đạt 10,3% so với kế hoạch 2024.

Ngoài ra, với đóng góp của lực của thương mại dịch vụ, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương các địa phương. Trên môi trường trực tuyến, các cơ quan chức năng đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử và chống thất thu thuế.