Li Long thi đại học lần đầu và đạt 695/750 điểm. Ảnh: Weibo.

Cao khảo (gaokao) là kỳ thi quan trọng nhất tại Trung Quốc, quyết định tương lai của học sinh, có thể "thay đổi hoặc phá vỡ" con đường sự nghiệp của người trẻ. Kỳ thi này không giới hạn độ tuổi tham dự, miễn là thí sinh có đủ giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục THPT.

Theo Jiupai News, năm 2008, Li Long (quê tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) thi đại học lần đầu và đạt 695 điểm, đủ để trúng tuyển ngành Y. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cần anh kiếm tiền sớm nên Li Long đã quyết định gác lại ước mơ này và đăng ký theo học tại khoa Khoa học của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, Li trở thành giáo viên toàn thời gian tại các trung tâm dạy thêm. Anh cho biết trước mùa hè năm 2021, khi chính quyền Trung Quốc chưa siết chặt việc dạy thêm, công việc này đem đến cho anh mức thu nhập cao. Nhờ đó, anh đã mua được 3 căn hộ ở Bắc Kinh và Cáp Nhĩ Tân.

Tuy nhiên, Li chia sẻ anh chưa bao giờ ngừng ước mơ học ngành Y, đặc biệt là sau khi chứng kiến một số học sinh của mình trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo Y khoa.

"Tôi thực sự ghen tỵ với các em ấy", anh nói.

Đầu năm nay, Li bắt đầu ôn thi lại đại học, biến ước mơ thành hiện thực.

"Nhiều người nghĩ ở tuổi 35 sẽ không thể có những thay đổi lớn. Nhưng tôi biết mình có thể bắt đầu một cuộc sống mới", Li tự tin có thể đạt ít nhất 650/750 điểm trong kỳ thi năm nay.

Câu chuyện của Li được truyền thông đăng tải và thu hút 120 triệu lượt xem trên Weibo, một số ý kiến cho rằng anh chỉ đang cố tình "gây sốt" trên mạng xã hội. Một số người chỉ trích Li đang lãng phí nguồn lực, tước đoạt cơ hội của thí sinh trẻ tuổi hoặc người chưa từng thi đại học.

"Thời gian sẽ trả lời tất cả. Không ai bỏ ra nhiều năm học Y chỉ để thu hút sự chú ý trên mạng", Li Long đáp trả.

Dù vậy, Li cũng chia sẻ sau những bàn tán trên mạng xã hội, anh cũng trăn trở, băn khoăc việc liệu có đang tước đi cơ hội của các bạn trẻ hay không, khi chỉ tiêu đầu vào có hạn. Ngoài ra, anh cũng cân nhắc đến việc nếu ra trường ở độ tuổi 40, có thể anh sẽ khó khăn khi tìm việc.

"Tôi đang cố gắng tìm kiếm giải pháp tốt hơn để thực hiện ước mơ mà không ảnh hưởng đến người khác. Ngay cả khi tôi quyết định sai lầm, tôi cũng không mất mát quá nhiều. Nhưng việc tiếp tục kiếm tiền trong 10 năm tới với công việc cũ sẽ không khiến tôi hạnh phúc", anh chia sẻ.