Thành phố Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược rất quan trọng, giáp với Biển Đông, với đường bờ biển dài khoảng 92km, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Nơi đây cũng là cửa ngõ giao lưu với miền Trung - Tây Nguyên, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam.
Đà Nẵng là đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị động lực của vùng, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Đó là các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" hội tụ để sẵn sàng cho việc hình thành Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - một quyết sách quan trọng vừa được Quốc hội thông qua.
Thu hút đầu tư tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng caoNăm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng, phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Quốc hội sau đó đã thể chế hóa nghị quyết này và ban hành Nghị quyết 119 năm 2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, chuyển đổi số công nghệ cao.
Song cũng có nhiều điểm nghẽn khiến thành phố chưa phát triển như kỳ vọng. Bởi vậy, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được ví như một sự cởi trói, và "may thêm chiếc áo cơ chế" vốn không còn đủ rộng cho thành phố đáng sống.
Việt Nam có bờ biển 3.260km kéo dài từ Bắc đến Nam, đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế, và ưu thế cảng biển chính là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành Khu Thương mại tự do ở Đà Nẵng. Nhìn sang các nước lân cận, Singapore đã có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 22, hay Philippines, Indonesia, Malaysia cũng có mô hình này, đều phát triển rất hiệu quả trong hàng chục năm qua.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân (Ảnh: Hồng Phong).Đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) dẫn chứng, theo thống kê năm 2022, các Khu thương mại tự do của Trung Quốc đã đóng góp 18,1% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, dù chỉ chiếm 0,4% diện tích tự nhiên trong phát triển kinh tế thông thường.
Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận với mô hình kinh tế - thương mại tự do thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn, như các khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế, nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do ở Việt Nam.
Theo đại biểu Quân, để hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đưa ra phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng gồm 3 khu chức năng: sản xuất, hậu cần cảng - logistics và thương mại - dịch vụ.
"Phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo động lực mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hạt nhân; phát huy vai trò là đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ", theo đại biểu Quân.
Ông Quân cũng nhấn mạnh đây là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề luật hóa các quy định về khu thương mại tự do dành cho cả nước.
Ngoài ra, ông Quân cho rằng thí điểm mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng nhằm mục tiêu thu hút đầu tư tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Việc này được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng sẵn có cùng khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Theo đại biểu tỉnh Long An, Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được nghiên cứu, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế; áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Ảnh: Hồng Phong).Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chỉ ra việc Đà Nẵng có lợi thế rất riêng trong lập khu thương mại tự do, như có cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Nơi đây không chỉ có giao lưu về hàng hóa mà còn giao lưu về khách du lịch quốc tế.
Bởi vậy, nếu có các chương trình đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh tốt, Đà Nẵng sẽ phát triển bứt phá hơn nữa.
Vị đại biểu Hà Nội nhấn mạnh cần tạo cơ chế, môi trường, không gian có tính hấp dẫn cho Đà Nẵng với một khu thương mại tự do có ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu hàng hóa...
Ông cũng cho rằng Đà Nẵng có thể mở cơ chế hơn để biến khu thương mại tự do thành nơi thu hút khách du lịch đến tiêu tiền, mua sắm.
Tạo điều kiện giúp Đà Nẵng thực hiện triệt để cơ chế đặc thùĐại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhắc lại vấn đề khu thương mại tự do từng được đề cập khi thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Khi ấy, do nhiều lý do khác nhau, mô hình này vẫn chưa thể triển khai.
Và bây giờ, Đà Nẵng với lợi thế là một khu vực có vị trí địa lý rất đặc thù, là trung điểm của cả nước, rất phù hợp và cần thiết để thí điểm lập khu thương mại tự do.
Dù vậy, vị đại biểu góp ý cần có quy định về quản lý Nhà nước đối với khu thương mại tự do này.
Cùng với phân cấp, phân quyền cho Đà Nẵng, ông Bình đề nghị các cơ quan Trung ương, đặc biệt các bộ, ngành liên quan hết sức tạo điều kiện trong việc phân bổ nguồn lực, kinh phí và điều kiện để giúp cho Đà Nẵng thực hiện một cách triệt để quy định về cơ chế đặc thù. Việc này vừa đảm bảo đặc thù nhưng cũng công khai, minh bạch, an toàn và thu hút đầu tư; đảm bảo phát triển một cách tiên tiến, hiện đại, nhanh nhưng bền vững.
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Ảnh: Hồng Phong)."Cơ chế đặc thù phải được quản lý bằng những chính sách quản lý Nhà nước đặc thù, từ đó mới tạo động lực và cơ hội, cũng như đẩy nhanh tiến trình thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả của nghị quyết và của khu thương mại tự do", ông Bình nêu quan điểm.
Đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) nhận định việc lựa chọn mô hình kinh doanh tích hợp bao gồm 3 khu chức năng chính ở khu thương mại tự do là phù hợp. Những khu này gồm: Khu sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.
Theo ông, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các khu thương mại tự do đều được áp dụng hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp.
Việc này nhằm mục tiêu thúc đẩy ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Do đó, theo ông Tân, rất cần thiết phải có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao.
"Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng đã và đang hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đây là một trong những đột phá nổi bật, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro của Đà Nẵng khi đề xuất thí điểm mô hình chưa có tiền lệ ở Việt Nam", ông Tân nhấn mạnh.
Từ thực tế này, ông đề nghị cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, biện pháp dự báo, quản lý, phòng ngừa và ứng phó với các tình huống rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện.
Mục tiêu cuối cùng vị đại biểu nhấn mạnh là hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm thành công.
Phân cấp, phân quyền đừng "nửa vời"Trước đó, trong phiên thảo luận về nội dung này trên hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ví việc thành lập khu thương mại tự do như một cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư. Trong cuộc cạnh tranh ấy, các nước không chờ đợi.
Theo ông, nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư sẽ đổ về đó và không đi nước khác.
Với Việt Nam, nước ta đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lập nhiều khu thương mại tự do với phương châm không cầu toàn.
Ông Dũng kể riêng khu thương mại tự do của Thượng Hải, 12 năm sửa 6 lần và càng ngày càng mở, càng cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải khu thương mại tự do là một khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, thu hút tài chính, thương mại, du lịch và các dịch vụ chất lượng cao.
Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực, ông Dũng cho rằng có 2 chính sách rất quan trọng, trong đó có thủ tục hành chính.
Dẫn câu chuyện từ Thượng Hải (Trung Quốc), ông Dũng cho biết, một nhà máy ô tô của Tesla khoảng 2-3 tỷ USD, nhưng từ khi khởi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng có 11 tháng; một trung tâm thương mại mấy trăm triệu USD, từ khi khởi công đến khi hoàn thành cũng chỉ 68 ngày.
Làm được như vậy, theo Bộ trưởng, vấn đề nằm ở thủ tục hành chính.
Liên quan thí điểm cơ chế "một cửa" tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng trong khu thương mại tự do, có ý kiến đề nghị làm rõ tính hợp lý về thẩm quyền, tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện trong việc: Cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện các thẩm quyền khác của cơ quan đăng ký đầu tư; Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài; Cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do…
Giải trình nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng mới. Việc quy định giao cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trực tiếp quản lý Nhà nước đối với khu chức năng này nhằm mục đích thống nhất cơ quan quản lý đối với các khu chức năng trên địa bàn thành phố, gồm: Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp.
Các nhiệm vụ giao cho Ban Quản lý trong chính sách đặc thù không phải nội dung mới, chỉ rút ngắn về quy trình thời gian trong việc phân cấp, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủng hộ phải thí điểm đưa cơ chế chính sách thật đột phá. Ông Dũng nhấn mạnh cơ chế đó chính là thủ tục hành chính, phân cấp triệt để, mạnh dạn thay vì "nửa vời" theo kiểu nội dung này vẫn đưa về bộ này, còn nội dung kia đưa về bộ khác, rồi vẫn phải xin thủ tục.
Theo ông, nếu ủy quyền lại Đà Nẵng và cho Ban Quản lý quyết định, tất cả mọi thứ sẽ nhanh, tạo được môi trường rất tốt để thu hút đầu tư.
Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng sẽ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại khu này không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.
Phát biểu trong phiên thảo luận trước đó về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm ủng hộ. Theo ông, những nhà đầu tư lớn lập văn phòng đương nhiên họ đã có đóng góp, và họ đương nhiên cũng không vào để chơi, khi đó chưa có dự án thì sau đó sẽ có.
"Đương nhiên người ta vào đây không phải để chơi. Người ta cũng sẽ lập dự án, rồi sẽ có sau đó. Chúng ta ràng buộc ngay lúc đầu rồi thì mất cơ hội, tôi nói ví dụ như vậy. Lần này trong thiết kế của chúng ta đã đưa vào rất rõ", ông Dũng nói.
Bài liên quan: Khu Thương mại tự do Đà Nẵng: Mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam