Mất chừng 20 phút đi xe máy từ cầu Bồng Sơn, theo đường giao thông ĐT 639 liên xã Hoài Mỹ về phía biển, qua con đèo được làm bằng bêtông ximăng là bạn có thể đến chân gành đá Lộ Diêu, thuộc địa phận thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Nơi đây, trước khi chưa có con đường bêtông ĐT 639 chạy ven biển, để có thể qua phía bên kia đèo đón xe đò, người dân phải đi bộ qua đèo Lộ Diêu từ 2g sáng và mất đến 4 tiếng đồng hồ mới ra được đến đường cái. Vì đường xe cách trở như vậy nên Lộ Diêu vẫn giữ được vẻ hoang sơ của mình suốt hàng trăm năm nay.

Với địa hình 3 phía là núi, trước mặt là biển, nên trong kháng chiến chống Mỹ, Lộ Diêu được chọn là nơi tàu không số của cách mạng đưa một lượng lớn s.úng ống, đạn dược và lương thực từ miền Bắc tiếp tế cho bộ đội ta tiến vào miền Nam, giải phóng đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù, Lộ Diêu được xem là vùng “đất thép”, cái nôi của cách mạng với hàng trăm liệt sĩ đã anh dũng hi sinh nơi mảnh đất này.

Nhìn từ xa, cảnh đẹp hoang sơ, sạch sẽ đến không ngờ của bãi Bang Bang và gành đá Lộ Diêu còn giữ được nguyên vẹn do chưa có bất kỳ một dịch vụ nào phục vụ cho du lịch. Quá trình hình thành và mài mòn của tự nhiên đã biến các gành đá nơi đây thành nhiều hình thù kỳ thú và lạ mắt. Hòn Trông, với hình tượng người phụ nữ cùng con trông ngóng chồng trong mỗi mùa đi biển là biểu tượng đặc trưng của gành đá Lộ Diêu.

Trên sườn núi chạy dài ra biển, Lăng Ông – miếu thờ cá Ông (cá voi – PV) – được người dân trông giữ cẩn thận. Theo lão ngư Nguyễn Văn Nghiềm, Lăng Ông có từ bao giờ không rõ, nhưng theo các cụ cao niên trong thôn thì từ khi sinh ra đã thấy có Lăng Ông. Và cứ hai năm một lần, ngư dân các nơi về đây làm lễ thờ cúng rất linh thiêng, từ lễ Cầu ngư đến hát Bả trạo, lễ Ra khơi… Trong chiến tranh, ngọn núi nơi Lăng Ông án ngữ bị bom giội đứt làm đôi, bom cháy ngay sau miếu mấy ngày, nhưng Lăng Ông chỉ bị cháy xém 1 góc rồi tự tắt, mặc dù lăng làm toàn bằng gỗ. Hiện Lăng Ông đang lưu giữ trên 5 bộ xương cá Ông được ngư dân chôn cất, cải táng rồi đưa về đây.

Mùa nào thức ấy, nơi đây đã nuôi sống bao thế hệ người dân Lộ Diêu. Theo ngư dân bản địa cho biết, cứ đến tháng 7 hàng năm, là mùa mối đất bay về, nhiều đến mức chỉ cần để một chậu nước dưới bóng đèn, một lúc sau ta có thể vớt lên được một rổ mối, con nào con nấy to bằng đầu đũa, chỉ cần rang lên với hành và mỡ, ăn cùng với bánh tráng là ta có ngay một bữa nhậu. Ngoài ra, con còng (dã tràng) nơi đây nhiều không kể xiết, tối đến chỉ cần một chiếc đèn pin là có thể dễ dàng bắt được chú còng to bằng chén uống trà. Chính vì vậy, còng rang me hay nấu bún riêu cũng là sản vật đặc trưng của Lộ Diêu.

Còn cá tươi thì luôn sẵn có, du khách chỉ cần vác cần câu ra biển, ngồi trên gành đá ngắm cảnh vật cũng có thể có ngay rổ cá chang đem nấu với lá giang hái sau hè (một loại lá cây dây leo có vị chua như lá me nhưng thanh và mát hơn chỉ có ở miền Trung – PV), hay cá hồng nướng, ốc đá trộn…với vài lon bia là ta đã có ngay bữa ăn mang đủ các hương vị biển, dân dã nhưng không kém phần bổ dưỡng. Có lẽ thức ăn dễ kiếm như vậy, nên chợ ở đây không mấy phát triển và rất nghèo nàn. Người dân bao đời sống đơn giản với sóng nước, không khó khăn để kiếm miếng ăn nhưng lại không giàu được.

Mặc dù hiếm có nơi nào còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như gành đá Lộ Diêu, nhưng để phát triển nơi đây thành điểm du lịch biển rất cần sự đầu tư của ngành du lịch tỉnh Bình Định và ý thức tự bảo vệ của người dân.