Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13, đến nay vùng ĐBSCL đã hoàn thành 4/26 nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là phê duyệt quy hoạch tỉnh của 13/13 địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành 5 dự án quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2; đang triển khai xây dựng nhiều công trình lớn như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi …

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,37% đứng thứ 2/6 vùng kinh tế; bình quân đầu người tăng đạt 72,32 triệu đồng/người, tăng 10% so với năm 2022; môi trường kinh doanh được cải thiện…

Qua 6 tháng thực hiện kế hoạch hoạt động hội đồng điều phối vùng năm 2024, đến nay đã cơ bản hoàn thành 13/27 nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong điều phối, phát triển vùng như việc liên kết hợp tác chưa đi vào chiều sâu; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa được đồng bộ; việc thu hút nguồn lực đầu tư còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL bền vững theo Nghị quyết 13 và Chương trình hành động của Chính phủ.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã có nhiều kiến nghị đề xuất để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Tập trung cơ cấu phát triển các ngành kinh tế theo hướng hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi từ đầu vào, đầu ra gắn với sinh thái bền vững; phát triển các cụm ngành công nghiệp, các trung tâm đầu mối; tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhất là điện gió, điện mặt trời; phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, kinh tế dầu khí; nuôi trồng khai thác đánh bắt hải sản xa bờ, phát triển các khu kinh tế, cụm công nghiệp ven biển.

Ưu tiên đầu tư đẩy nhanh các dự án là động lực, trọng điểm có tính lan tỏa lớn, liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh; dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông; dự án đầu tư cảng biển Trần Đề…

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai, tài nguyên nước, môi trường; chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, thoát lũ, trữ nước… nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động đến từ sự thay đổi của nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông; xử lý sạt lở bờ sông, củng cố đê biển; đẩy nhanh xây dựng các trung tâm đầu mối về nông nghiệp của các tỉnh, nhất là trung tâm đầu mối tại thành phố Cần Thơ.

Bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa thiên nhiên, văn hóa lịch sử, văn hóa sông nước miệt vườn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số gắn với ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu các tiêu chí, nguyên tắc xây dựng các dự án trọng điểm của vùng ĐBSCL để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 -2030.

Hòa Minh