Các đại biểu tiếp xúc cử tri quận 1

Buổi tiếp xúc cử tri gồm các ĐBQH TPHCM: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Cùng tiếp xúc cử tri có đại biểu HĐND TPHCM Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề cập nhiều đến việc cần thiết phải sớm ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Có cử tri đề xuất trang bị cho TPHCM trực thăng chữa cháy để kịp thời chữa cháy tại các hẻm nhỏ.

Cử tri Trần Bá Hà (phường Bến Nghé)

Cử tri Trần Bá Hà (phường Bến Nghé) đánh giá cao khi Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nhiều quyết định thiết thực gắn với đời sống nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng đề xuất Quốc hội cần cân nhắc khi ban hành các luật mới, để khi đi vào cuộc sống, các luật không phải thường xuyên sửa đổi, chẳng hạn quy định về cấp Căn cước công dân (nay là căn cước) liên tục thay đổi chỉ trong thời gian ngắn.

Đề cập đến việc quận 1 thí điểm 11 tuyến đường cho sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố có thu phí, cử tri Trần Bá Hà cho biết người dân rất ủng hộ. Vỉa hè có chủ tạm thời sử dụng đã góp phần làm cho đường phố sạch đẹp, ngăn nắp hơn, do đó cử tri đề nghị quận 1 cũng như thành phố triển khai chủ trương trên rộng rãi hơn.

Về chương trình kỳ họp sắp tới của HĐND TPHCM, cử tri Trần Bá Hà mong HĐND TPHCM nghiên cứu kỹ Luật Bảo vệ môi trường để có các nghị quyết căn cơ nhằm thực hiện hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, chế biến rác với mục tiêu biến rác thải thành tài nguyên. Cử tri kiến nghị việc này phải làm thật căn cơ, tránh làm theo kiểu nửa vời.

“Cách đây 13 năm, khu phố chúng tôi được thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng khi người dân thực hiện thì đơn vị thu gom lại đổ chung vào xe để chở đi xử lý. Như vậy là không hiệu quả, không tạo được niềm tin trong nhân dân”, cử tri Trần Bá Hà dẫn chứng.

Bên cạnh đó, cử tri cũng băn khoăn ở giữa trung tâm của thành phố lớn của cả nước nhưng vẫn còn công nhân đẩy xe đi thu gom rác là không ổn, cử tri kiến nghị cần phải cải thiện tình trạng này.

Cử tri Hoàng Thị Lợi nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Trao đổi lại với cử tri, ĐB Trần Kim Yến nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là vấn đề nóng, không chỉ của riêng TPHCM, của nước ta mà còn của các nước.

Hiện việc thu gom, xử lý rác thải theo công nghệ cũ đang không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. TPHCM đã xây dựng các đề án để xây dựng các nhà máy xử lý đốt rác phát điện. Tuy nhiên, thành phố mới khởi công được 1 nhà máy và dự kiến đến quý 3-2025, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên sẽ đi vào hoạt động. Các dự án khác còn vướng thủ tục.

ĐB Trần Kim Yến mong mỏi khi đưa vào sử dụng, nhà máy này sẽ đáp ứng được một phần nào của thành phố trong xử lý rác thải.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Trần Kim Yến trao đổi với cử tri

Để nhà máy đi vào hoạt động thì chắc chắn phải phân loại rác tại nguồn. Tại TPHCM, việc này đã được một bộ phận người dân thực hiện. ĐB Trần Kim Yến mong mỏi người dân tiếp tục phân loại rác tại nguồn để khi nhà máy đốt rác phát điện đi vào vận hành sẽ thuận lợi, đạt hiệu quả ngay.

Cử tri Phạm Ngọc Phú (phường Bến Thành) băn khoăn, hiện nay phần lớn người điều khiển xe máy điện tham gia giao thông là dưới 16 tuổi. Các em này không phải học Luật Giao thông đường bộ, trong khi lứa tuổi hiếu động, chưa nhận thức hết quy định khi tham gia giao thông, rất nguy hiểm khi lưu thông không đúng quy định. Ông đề xuất nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để các quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng trên.

Về vấn đề này, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết, trong quá trình soạn thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có ý kiến cho rằng người dưới 16 tuổi khi lái xe máy điện, xe gắn động cơ dưới 50 phân khối phải có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, qua tham khảo quy định của một số nước; đồng thời đánh giá, nếu cấp phép lái xe cho người từ 16-18 tuổi thì sẽ phát sinh thêm thủ tục, phát sinh chi phí trong khi chưa có đánh giá thực tiễn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo đề xuất Quốc hội tiếp tục kế thừa Luật Giao thông đường bộ.

PHƯƠNG UYÊN