Ngày 2.7, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Thanh tra tỉnh Cà Mau đang thanh tra công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt (gói thầu xây lắp số 67), thuộc tiểu dự án 8 "Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau".
"Thanh tra tỉnh Cà Mau thanh tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về các công tác quản lý, đầu tư xây dựng khi thấy cần bổ sung vào kế hoạch thanh tra các công trình trong tỉnh; trong đó có hồ chứa nước ngọt, chứ không phải thanh tra đột xuất hay phát hiện vi phạm theo đơn thư tố cáo", một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Cà Mau cho biết thêm.
Thanh tra tỉnh Cà Mau thanh tra dự án hồ chứa nước ngọt theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về các công tác quản lý, đầu tư xây dựng
Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau giao ông Cao Việt Bắc, Phó chánh Thanh tra tỉnh, trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, giúp Chánh thanh tra xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của đoàn thanh tra. Ông Phạm Văn Tươi, Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 1, thuộc Thanh tra tỉnh Cà Mau làm trưởng đoàn.
Công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt khởi công ngày 8.1.2022, do Sở NN-PTNT Cà Mau làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh Công ty CP xây dựng thương mại Thới Bình và Công ty CP xây dựng thủy lợi Cà Mau. Ban quản lý dự án (BQLDA) ODA và NGO tỉnh Cà Mau là đơn vị giám sát. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án ban đầu có giá trị hơn 117 tỉ đồng
Trong văn bản của BQLDA ODA và NGO tỉnh Cà Mau trả lời PV Thanh Niên, giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu (6.11.2020) của dự án hồ chứa nước ngọt là 117,128 tỉ đồng. Ở lần đấu thầu đầu tiên này, chỉ có duy nhất nhà thầu tham dự là liên danh Thủy lợi Cà Mau - Trường Thi, giá dự thầu 258,62 tỉ đồng.
Kết quả chọn thầu, liên danh trên không trúng thầu do không đáp ứng doanh thu xây dựng bình quân hằng năm trong vòng 3 năm; không đáp ứng kinh nghiệm hợp đồng tương tự (không đáp ứng quy mô, giá trị và vùng địa lý).
Kế hoạch đấu thầu ban đầu của dự án hồ chứa nước ngọt là 117,128 tỉ đồng (ảnh chụp ngày 9.4)
Sau đó, ngày 6.7.2021, Sở NN-PTNT Cà Mau có công văn (số 2337/SNN) gửi WB, nêu rõ: "Tại thời điểm đấu thầu, do giá gói thầu thấp không có nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu (chỉ 1 nhà thầu) nên hạn chế việc lựa chọn nhà thầu để trao thầu. Do đó, để có nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu, cũng như lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện, Sở NN-PTNT Cà Mau kiến nghị WB cho cập nhật lại giá gói thầu (hạng mục nạo vét bằng tàu hút bùn (xáng thổi); cập nhật lại giá vật liệu xây dựng...), giá gói thầu điều chỉnh khoảng 200 tỉ đồng". Theo BQLDA ODA và NGO tỉnh Cà Mau, WB đồng ý với kiến nghị của Sở NN-PTNT.
Phát sinh 4 hạng mục trị giá 51 tỉ đồngTrả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về dư luận cho rằng việc điều chỉnh vốn tăng lên có lợi cho đơn vị trúng thầu, BQLDA ODA và NGO tỉnh Cà Mau cho biết hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu ngày 6.11.2020); trong thời gian thực hiện không điều chỉnh loại hợp đồng nào khác và được WB đồng ý.
Về báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế ban đầu của dự án ra sao mà phải điều chỉnh vốn, BQLDA ODA và NGO lý giải dự án được duyệt thì nhiệm vụ của hồ chứa nước ngọt là cung cấp nước sinh hoạt cho 113.000 hộ dân H.U Minh và vùng lân cận, chiều rộng mặt đường quanh hồ là 3 m phục vụ quản lý vận hành hồ. Tuy nhiên, để kết hợp phòng chống cháy rừng vào mùa khô, chiều rộng mặt đường quanh hồ 3 m không đáp ứng năng lực xe, thiết bị phục vụ chữa cháy nên điều chỉnh lên 5 m (điều chỉnh thiết kế cơ sở). Để hạn chế sóng mặt đánh trực tiếp mái hồ bằng đất gây sạt lở, mất ổn định trong khai thác, vận hành nên phát sinh lát mái bằng rọ đá quanh hồ, diện tích mặt hồ 60 ha (rộng 430 m, dài 1.395 m). Việc điều chỉnh này thuộc biện pháp kỹ thuật đã được WB thống nhất.
BQLDA ODA và NGO tỉnh Cà Mau cũng bác bỏ thông tin "chủ đầu tư vừa đá bóng vừa thổi còi" (vừa phê duyệt hồ sơ mời thầu, vừa xét thầu và ra quyết định trúng thầu), vì việc chủ đầu tư vừa phê duyệt hồ sơ mời thầu và ra quyết định trúng thầu là phù hợp quy định tại khoản 1, khoản 3 điều 74 luật Đấu thầu 43/2013/QH13. Còn việc xét thầu do tổ chuyên gia đấu thầu thực hiện.
Ban này cũng lý giải, điều 37 Nghị định 37/2015/NĐ-CP không quy định thành lập gói thầu mới cho khối lượng bổ sung hợp lý chưa có đơn giá trong hợp đồng đã ký. Bởi khoản 3 điều 37 quy định: Đối với những khối lượng phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng đã ký mà chưa có đơn giá trong hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng phải thống nhất đơn giá để thực hiện khối lượng công việc này trước khi thực hiện. Mặt khác, theo nội dung của WB tại sổ tay dự án, không quy định thành lập gói thầu mới cho khối lượng phát sinh. Khối lượng phát sinh gói thầu đã được WB thống nhất. Dự án tăng 4 hạng mục, tổng chi phí tăng 51 tỉ đồng.
Ngày 1.7, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Sol, Giám đốc BQLDA ODA và NGO tỉnh Cà Mau, cho biết hồ chứa nước ngọt cơ bản hoàn thành, nhưng rọ đá của hồ kiểm tra chưa đạt đang khắc phục... Hiện chủ đầu tư, tư vấn, góp ý để hoàn thiện. Khi đơn vị thi công sửa xong mới nghiệm thu.
Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thi công hồ chứa nước ngọt 22 tháng (khởi công tháng 1.2021, hoàn thành ngày 31.12.2022). Tuy nhiên, do yêu cầu nhà tài trợ lấy thêm mẫu nước khu vực hồ để thí nghiệm đủ mùa mưa và mùa khô trong năm 2021, do đó thời gian thi công bị mất 1 năm để thực hiện công tác này. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, do ảnh hưởng địa chất, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép gia hạn kéo dài thời gian thi công đến ngày 30.5.2024.
Tại buổi họp báo và giao ban báo chí quý 1/2024, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau thông tin, công trình hồ chứa nước ngọt ở Cà Mau sau 4 lần điều chỉnh vốn tăng từ 184 tỉ đồng lên 248 tỉ đồng. Giá trị hợp đồng công trình sau 4 lần điều chỉnh là 248 tỉ đồng (sử dụng toàn bộ bằng vốn vay ODA), không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.