Phóng viên An ninh Thủ đô cùng lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm điểm tên các “chiêu trò” của bãi xe không phép

“Một nửa sự thật không phải là sự thật”

Còn nhớ cách đây hơn 5 năm, tại Điện Biên, vụ án “thiếu nữ giao gà” đã gây rúng động cả nước. Đó là vào khoảng 10h sáng 7-2-2019 (tức Mùng 3 Tết Kỷ Hợi), nhiều người dân tại đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bàng hoàng khi phát hiện thi thể một nữ giới chết trong chuồng nuôi lợn của một căn nhà vắng chủ trên địa bàn. Căn nhà này nằm cách đường Quốc lộ 12 khoảng 50m. Thi thể được tìm thấy trong tình trạng bán khỏa thân, mũ bảo hiểm úp lên mặt, trên cổ, thân thể nạn nhân có nhiều vết tím bầm…

Cơ quan Công an đã lập tức phong tỏa hiện trường để làm rõ vụ việc. Thi thể nữ sinh nhanh chóng được xác định chính là C.M.D. (SN 1997), trú tại đội 5, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được báo bị mất tích bí ẩn trong quá trình đi giao gà vào chiều tối 30 Tết. Người đầu tiên phát hiện thi thể nạn nhân là bà Bùi Thị Kim T. (SN 1975), ở Điện Biên. Ngay sau đó, tại buổi họp báo thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ thiếu nữ đi giao gà bị bắt cóc, hãm hiếp tập thể rồi sát hại ở Điện Biên, các tập thể, cá nhân tham gia điều tra, bắt các nghi phạm đã được khen thưởng. Tuy nhiên, cộng đồng mạng lúc ấy cho rằng, “người hùng” đáng được khen thưởng trong vụ án này phải là bà Bùi Thị Kim T. chứ không phải các thành viên Ban chuyên án. Mặt khác, những ngày sau khi phát hiện thi thể “nữ sinh giao gà”, đa số người dùng mạng xã hội bày tỏ thương tiếc, chia buồn và động viên mẹ của nạn nhân. Nhưng khi sự thật được Cơ quan Cảnh sát điều tra công bố, cư dân mạng bỗng “sốc nặng” bởi Bùi Thị Kim T. chính là đồng phạm, vợ của đối tượng Bùi Văn Công - chủ mưu của vụ án. Còn người mẹ bấy lâu nhận được sự thương cảm, thậm chí cả tiền ủng hộ lại chính là mắt xích quan trọng liên quan trực tiếp đến cái chết của nữ sinh C.M.D. Rõ ràng, “một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Những bài báo năm đó liên tục được đăng tải, hé lộ tình tiết cũng như tội ác “rợn người” của các hung thủ là đòn giáng mạnh vào những suy đoán, lập luận vô căn cứ của cư dân mạng.

Mới đây, ngày 27-4-2024, trên mạng xã hội có lan truyền clip với nội dung “Bà bán dứa bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng cho du khách người nước ngoài”. Ngay sau khi nắm được thông tin, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã vào cuộc xác minh. Đến chiều 29-4, người bán hàng rong là bà N.T.T. (SN 1968), trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã đến Công an phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm trình diện và tường trình lại toàn bộ sự việc. Rất nhanh sau đó, nhiều bài báo trong đó có cả những tờ báo uy tín đã đăng tải thông tin song không đầy đủ, khiến người đọc hiểu rằng, bài viết trên mạng xã hội tố cáo là hoàn toàn đúng sự thật.

Rất nhiều trang mạng đã lấy lại thông tin từ các báo và đăng lên để “câu view”, “câu like”. Hàng nghìn bình luận trên các bài viết chỉ trích người bán hàng rong “chặt chém” du khách, “làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam”, “gây ảnh hưởng tới hình ảnh Thủ đô Hà Nội”… Nặng nề hơn, rất nhiều người trẻ còn dùng những lời lẽ tiêu cực chỉ trích bà N.T.T. “ăn cướp”. Có lẽ, đã quá nhiều sự việc tương tự xảy ra ở các vùng du lịch được “bóc phốt” trên mạng xã hội, nên người đọc đương nhiên không cần chờ kết luận của cơ quan Công an mà vô tư khẳng định. Ấy thế nhưng, bản chất của sự việc lại không phải như vậy. Phóng viên An ninh Thủ đô liên hệ với Công an quận Hoàn Kiếm và được biết, thực tế người bán hàng rong chỉ tính 50.000 đồng/quả dứa. Khi 2 du khách nước ngoài đưa 500.000 đồng, bà T. đã trả lại 450.000 đồng và đưa 1 quả dứa gọt, bổ sẵn. Thấy đắt, hai vị khách liền đòi cầm thêm 2 quả dứa chưa gọt nhưng người bán hàng không đồng ý dẫn tới cãi vã, phần vì bà T. không hiểu tiếng nước ngoài.

Điều đáng nói ở đây là, sự việc được một người dùng mạng xã hội ghi lại, đăng lên trang cá nhân, nhưng chỉ quay lại phần sau của câu chuyện và gán cho người bán hàng rong cái mác “chặt chém”. Thông tin “hot”, phóng viên hoàn toàn có thể đưa tin như các trang báo khác để “hút view”, nhưng không, “đây không phải một nửa chiếc bánh mì” mà là câu chuyện về lòng tự trọng, tự tôn, danh dự của một con người, nên liên tiếp trong suốt 2 ngày, phóng viên An ninh Thủ đô đã liên hệ với UBND quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm, để thu thập, kiểm chứng đầy đủ thông tin. 9h15 sáng 1-5-2024, bài báo “Công an quận Hoàn Kiếm thông tin chính thức vụ người phụ nữ bán 500.000 đồng 3 quả dứa” chính thức được đăng lên trên An ninh Thủ đô. Sự thật được phơi bày khiến hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội phải “quay xe”. Các tờ báo cũng đã ngay lập tức đính chính thông tin. Ít ai biết, những ngày trước đó, không chỉ chịu những chỉ trích của cộng đồng mạng, người bán hàng rong còn phải nghe những lời bàn tán, mỉa mai của hàng xóm.

Vén “bức màn” thông tin thật, giả trên mạng xã hội

Trong thời đại 4.0, mỗi người đều có ít nhất một tài khoản mạng xã hội, nó được ví giống như “tòa soạn” thu nhỏ mà người dùng xem như một “nhà báo”, có thể xuất bản bất cứ “bài báo”, video clip vào bất cứ thời điểm nào mà không cần kiểm chứng tính chính xác. Lợi bất cập hại, lợi chưa thấy đâu mà hệ lụy thì thật khó có thể lường trước. Nên người làm báo chân chính, phải là người có tâm, trách nhiệm với nghề, phản ánh đúng bản chất của sự vật, sự việc, hiện tượng, không tiếp tay hoặc vô tình tiếp tay cho cái sai, hoặc để một cá nhân, một nhóm hay tổ chức nào đó “mượn” ngòi bút báo chí để “lèo lái” dư luận.

Hay như trong vụ cháy nhà xưởng xảy ra vào khoảng 18h20 ngày 23-4-2024 tại thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 phóng viên tham gia tác nghiệp đưa tin về vụ cháy cũng như công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bị 2 đối tượng lạ hành hung. Tối 24-4, một ngày sau vụ cháy xuất hiện bài báo “Triệu tập hai đối tượng liên quan đến vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp” được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Sẽ không có điều gì đáng nói nếu như bài báo trên không nêu đích danh tên, tuổi, địa chỉ của 2 phóng viên và bằng một cách nào đó đã biến 2 đối tượng nghi liên quan trở thành những “người hùng” đang tham gia cứu đám cháy. Hàng loạt những sơ hở về nghiệp vụ của phóng viên được đồng nghiệp từ các cơ quan báo chí chỉ ra. Câu hỏi được đặt ra là, trách nhiệm của nhà báo ở đâu khi chưa tìm hiểu rõ bản chất của vụ việc đã vội vàng viết bài? Và liệu, bài báo này có gián tiếp làm thay đổi vài tình tiết trong quá trình lập hồ sơ điều tra, xử lý vụ án hành hung 2 phóng viên? Với hàng loạt các câu hỏi, lập luận của nhiều nhà báo trên mạng xã hội, bài báo đã nhanh chóng được gỡ xuống.

Tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959, Bác Hồ căn dặn nhà báo: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Người cũng nhấn mạnh, nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp, phải là người trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ lớp lớp những người làm báo vẫn luôn đúng và việc phản ánh sự thật đó không chỉ là trách nhiệm, còn là sứ mệnh của các nhà báo.