Từ ngày Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 866/QĐ-TTg, ngày 18/07/2023 của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt, nhiều hoạt động kinh tế và đời sống của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn TP Bảo Lộc bị ảnh hưởng.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Cử tri Phạm Thị Hường, ở phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc cho biết, toàn bộ 2ha đất của gia đình đều vướng vào quy hoạch nên không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất, việc sửa chữa nhà ở, chia tách đất cho các con cùng nhiều hoạt động khác có liên quan đều bị ngưng trệ. Cuộc sống gia đình đang rơi vào cảnh rất khó khăn vì vướng quy hoạch.
“Đối với gia đình tôi thì thật sự là rất bất cập. Tôi ở đây mấy chục năm nay rồi, bây giờ xin chuyển mục đích đất cũng không được, làm nhà cho con cái cũng không làm được nên gia đình rất khó khăn về kinh tế. Gia đình tôi cũng như bà con nhân dân trên địa bàn cũng kiến nghị về quy hoạch thăm dò khoáng sản này, nếu làm được thì làm luôn, còn không thì tháo gỡ luôn cho chúng tôi, bây giờ bà con hoang mang lắm!”. - Chị Hường nói.
Cử tri kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về vấn đề Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế và đời sống của người dân
Theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ, TP Bảo Lộc có gần 4.300 ha đất thuộc ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đa phần diện tích này thuộc các xã, phường trung tâm, có mật độ dân cư đông đúc nên không chỉ gây khó khăn cho đời sống, kinh tế của người dân mà việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của địa phương... cũng bị ách tắc.
Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quy hoạch khoáng sản còn chồng lấn với nhiều quy hoạch khác của trung ương lẫn địa phương. Điều này gây ra nhiều vướng mắc về pháp lý, là rào cản làm ách tắc trong triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm của tỉnh. Vấn đề này đoàn ĐBQH cũng đã có kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong kỳ họp qua.
Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi tiếp xúc.
“Quy hoạch này giờ nó bao trùm lên nhiều khu dân cư, nhiều công trình, nhiều cơ sở hạ tầng mà chúng ta không triển khai được. Đây là việc không chỉ của riêng bà con mà là việc của thành phố Bảo Lộc, của các huyện, của cả tỉnh cũng phải xem xét, giải quyết vấn đề này. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, đoàn ĐBQH có phát biểu tại hội trường vào ngày 31/05/2024, đồng thời có gửi chất vấn này đến Thủ tướng Chính phủ. Tại kỳ họp Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn chung có giao cho Bộ trưởng Bộ TNMT, Bộ trưởng Công thương phối hợp với các địa phương để xem xét, giải quyết kiến nghị này”.
Cùng với Quy hoạch khoáng sản khiến mọi hoạt động KT-XH của địa phương bị ảnh hưởng, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đã lắng nghe, giải đáp và ghi nhận nhiều ý kiến cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm, các dự án quy hoạch treo, khẩn trương thi công tuyến đường tránh và các tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương.