Sáng 3/7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo "Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển". Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn điểm lại nhanh về lịch sử ra đời của đơn vị.
Từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay Kiểm toán nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp.
Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hoạt động Kiểm toán nhà nước đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước và hơn 35 bộ luật, luật khác.
Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết Kiểm toán Nhà nước hiện có 32 đơn vị với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo (Ảnh: KTNN).Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết Kiểm toán Nhà nước đã chú trọng kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu đáng tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; tham gia ý kiến một cách có trách nhiệm và thiết thực giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm.
Kết quả kiểm toán hàng năm của đơn vị này còn giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những bất cập của cơ chế chính sách, từ đó đưa ra ý kiến giúp Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính công, tài sản công; quyết định các chính sách kinh tế, tài chính quan trọng của quốc gia.
Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40%.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Cơ quan này cũng đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tin tưởng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tận tụy của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.