Cú nâng khống vốn kỷ lục, ROS lên hơn 200.000 đồng/cp
TAND TP. Hà Nội vừa công bố kế hoạch xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác trong vụ nâng khống vốn điều lệ của CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) từ con số ban đầu là 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Phiên tòa dự kiến khai mạc sáng 22/7 và kéo dài trong nhiều ngày.
Vụ nâng khống vốn điều lệ của ông Trịnh Văn Quyết đối với CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và thổi giá cổ phiếu ROS được xem là một vết đen trên thị trường chứng khoán.
Dưới bàn tay “pháp sư” Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu ROS từ mức gần như không có gì có lúc đã lên hàng trăm nghìn đồng/cp.
ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros là một cổ phiếu "lạ thường" nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam - yếu tố giúp ông Trịnh Văn Quyết vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 chớp nhoáng trở thành người giàu nhất trên TTCK nếu tính trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó; đồng thời cũng khiến nhiều nhà đầu tư mất tiền trong cuộc chơi trao nhau "hòn than bỏng" này.
Ngay từ khi được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 1/9/2016, cổ phiếu ROS đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng, cổ phiếu ROS liên tục tăng rất nhanh.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: HHTừ tháng 10/2016, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến lượng giao dịch tăng đột biến đối với cổ phiếu ROS khi mỗi phiên có tới 50-70 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Giá cổ phiếu ROS tăng điên cuồng, gấp 10 lần sau vài tháng lên sàn và đạt mức 100.000 đồng/cp.
Khoảng giữa tháng 11/2016, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ vượt ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán gây sững sờ và nghi hoặc.
Khi đó, với mức giá 115.000 đồng/cp, khối tài sản của ông Quyết đạt khoảng 33 nghìn tỷ đồng (1,47 tỷ USD), chủ yếu nhờ sở hữu gần 290 triệu cổ phiếu ROS. Còn tài sản của ông Vượng ở mức 32.300 tỷ đồng (khoảng 1,44 tỷ USD).
Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết, cũng lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Từ ngày 24/7/2017, ROS lọt rổ VN30 (30 cổ phiếu trụ cột trên TTCK), sau đó tiếp tục ghi nhận chuỗi ngày tăng tưởng như “bất tận”.
Sự điên cuồng nhất của cổ phiếu ROS là trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11/2017. Giới đầu tư ngỡ ngàng khi cổ phiếu của một công ty xây dựng không mấy tên tuổi tăng gấp 10, rồi tăng thêm hơn gấp đôi, lên mức gần 215.000 đồng/cp.
Sau 6 tháng kể từ thời điểm ra mắt TTCK, cổ phiếu ROS đã tăng hơn 2.000% với kỷ lục 35 phiên tăng liên tiếp. Khi đó, tài sản của ông Quyết có lúc vọt lên trên 50 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Quyết không còn giữ được vị trí số 1 do ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận gia tăng số lượng cổ phiếu Vingroup (VIC) nắm giữ.
Trong suốt quá trình tăng tài sản, ông Quyết cũng không được tạp chí danh tiếng Forbes và Bloomberg công nhận là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.
ROS về 2.000 đồng/cp, 7 cổ phiếu 'họ FLC' bị hủy niêm yết, Trịnh Văn Quyết lao dốc
Từ mức vốn hóa khủng, giai đoạn 2016-2017 vượt cả ngân hàng BIDV và Vietinbank, Faros dần lao dốc.
Sau khi lên đỉnh vào tháng 11/2017, ROS bắt đầu xuống lại ngưỡng 100.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) vào khoảng đầu tháng 3/2018, rồi tụt tiếp về 50.000 đồng/cp hồi giữa năm 2018. Đến đầu năm 2020, ROS đã về dưới 10.000 đồng/cp và chỉ còn 2.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020.
Cổ phiếu ROS sau đó đi ngang, phần lớn ở mức 1.000-5.000 đồng/cp, kéo dài cho tới khi bị hủy niêm yết vào tháng 9/2022.
Câu chuyện nâng khống vốn và đẩy giá cổ phiếu ROS bị khui ra sau vụ ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC ngay đầu năm 2022.
Sau vụ việc được đánh giá là “bí tiền làm càn” này, những sai phạm bí ẩn trong quá khứ của ông Quyết dần lộ diện. Nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC cũng lâm vào cảnh chìm thuyền.
Đến nay, cả 7 mã cổ phiếu “họ FLC” đều bị hủy niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư, gồm: FLC, ROS, HAI (Nông dược HAI), AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone), GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC), Chứng khoán BOS (ART) và Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF).
Riêng Tập đoàn FLC sau khi bị hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu từ ngày 20/2/2023 vẫn còn hơn 64.100 cổ đông. Số lượng cổ đông ở 6 doanh nghiệp còn lại thuộc "hệ sinh thái FLC" cũng rất lớn.
Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân khi chưa kịp tháo chạy, thoát hàng khỏi các cổ phiếu họ FLC.
Còn với ROS, cổ phiếu này chính thức rời sàn HOSE từ 9/2022 nhưng không được chấp thuận đăng ký giao dịch trên Upcom. Hàng nghìn tỷ đồng góp vốn của cổ đông không thể thu hồi.
Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP. Hà Nội, Tòa xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS của Công ty Faros. Số người bị hại trong vụ án này được xác định là 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của ROS.
Cùng với hệ sinh thái chìm thuyền, ông Trịnh Văn Quyết cũng ghi nhận tài sản bốc hơi. Với tội "Thao túng thị trường chứng khoán", cáo trạng chỉ ra rằng, ông Quyết và đồng phạm đã thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC; thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.